Nhà Đường khôi phục Sự biến Phụng Thiên

Hà Bắc quy thuận

Đầu năm 784, Lý Hi Liệt ở phía đông cũng tự xưng là Sở hoàng đế ở Biện châu, đổi niên hiệu là Vũ Thành.

Chu Thử mang quân tới tấn công Phụng Thiên. Đường Đức Tông lúc đó mới nhận ra con người Chu Thử, vội theo kiến nghị của Lục Chí, ban bố "chiếu thư tự trách mình", rồi sai sứ đi hiệu triệu các trấn toàn quốc về cứu giá. Ông cũng đồng ý xá tội cho các trấn làm phản gồm Chu Thao, Điền Duyệt, Vương Vũ Tuấn, Lý Nạp và Lý Hi Liệt, hứa sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của các trấn nếu họ đồng ý quy phục(Chu Thử đã xưng đế không nằm trong danh sách này).

Ngày 27 tháng 1 năm 784, Hoàng thượng theo đề xuất của Lục Chí, ban chiếu thư tự trách mình không biết nghe lời can gián, để cho gian nhân thao túng mà nghi ngờ tướng lĩnh khiến họ nổi loạn, sau đó hạ lệnh xá tội cho tất cả những người đã tạo phản trước kia, trừ Chu Thử. Triều đình đề nghị các trấn quy thuận, hứa sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của họ nữa. Điền Duyệt cùng Vương Vũ TuấnLý Nạp đều đồng ý từ bỏ vương hiệu, sai sứ dâng biểu tạ lỗi với triều đình. Trong khi đóChu Thao dẫn quân đánh chiếm Lạc Dương. Đến đất Triệu và Ngụy đều được tiếp đãi trọng hậu. Khi quân của ông đến Vĩnh Tế, sai Vương Chất gặp Điền Duyệt đề nghị hợp quân cùng vượt sông, Điền Duyệt (đã đầu hàng triều đình), kiếm cớ thoái thác. Thao giận lắm, sai Mã Thực đánh Tông Thành, Kinh Thành; Dương Quốc Vinh công Quan Thị thuộc Ngụy Bác, đều phá được, Duyệt lên thành cự thủ. Thao dẫn quân lên phía bắc bao vây Bối châu, thứ sử Tào Tuấn ra sức chống giữ. Thao để cho quân Hồi Hột và quân Phạm Dương cướp bóc chư huyện, sau đó phá Vũ Thành, thông hai châu Đức, Lệ, cử Mã Thực đem 5000 quân đóng ở Quan Thị, bức bách Ngụy châu.

Lúc này Điền Duyệt bị Điền Tự là con của Điền Thừa Tự giết chết, Chu Thao được tin, vui mừng, sai người thuyết phục Điền Tự liên minh với mình. Nhưng Lý Bão Chân, Vương Vũ Tuấn cũng đến chỗ Điền Duyệt, hứa đem quân cứu việc, các trấn duy trì minh ước như khi Điền Duyệt còn sống. Tự chấp thuận[36]. Chu Thao nghe Điền Tự phản kháng nên dẫn binh công đánh Bối châu[38] hơn trăm ngày, Mã Thực đánh Ngụy châu tứ tuần, chưa hạ được. Lý Bão Chân thuyết phục Vương Vũ Tuấn dẫn binh cứu Ngụy. Mã Thực nghe tin, liền giải vây Ngụy châu, hợp quân với Chu Thao. Khi Chu Thao chuẩn bị giao chiến với quân Thành Đức, Mã Thực thuyết phục ông rằng quân sĩ của mình cần được nghỉ ngơi, nhưng Chu Thao nghe lời Thường thị Dương Bố, Tướng quân Thái Hùng và tướng Hồi Hột Đạt Can, quyết định tấn công ngay. Ngày 29 tháng 5 năm 784, Vương Vũ Tuấn sai Binh mã sử Triệu Lâm dẫn 500 quân phục ở Tang Lâm, bản thân mình dẫn theo kị binh đích thân giao chiến với Hồi Hột, quân Hồi Hột thua chạy. Vũ Tuấn đem quân đuổi tiếp, Chu Thao cũng bỏ chạy, trên đường đi quân sĩ bỏ trốn dần. Khoảng 1 vạn quân Lư Long bị giết, 1 vạn quân bỏ trốn, Thao dẫn mấy nghìn quân còn lại vào doanh tự thủ, liên quân tiếp tục tấn công. Thao cho đốt doanh trại, dẫn binh chạy về Đức châu. Sau trận này, Chu Thao cũng phải dâng sớ xin đầu hàng nhà Đường. Hà Bắc tạm thời được dẹp yên.

Diệt Chu Thử

Đường Đức Tông đóng quân ở Lương châu và sai sứ đi cầu viện Thổ Phiên. Để Thổ Phiên ra quân giúp sức, Đường Đức Tông thỏa hiệp cắt vùng An Tây và Bắc Đình; Thổ Phiên bèn điều 2 vạn quân cứu Đức Tông[24].

Thần Sách tướng nhà Đường là Lý Thạnh đóng quân ở Vị Kiều, bị kẹp giữa Chu ThửLý Hoài Quang, nhưng ông không nao núng, ra sức khích lệ tướng sĩ cần vương, và nhận được sự ủng hộ của những vùng xung quanh như Bân châu, Chiêu Ứng, Lam Điền, lực lượng ngày càng lớn mạnh.

Trong khi đó nội bộ phía lực lượng chống nhà Đường bắt đầu phân hóa. Ban đầu Chu Thử dụ Lý Hoài Quang phản đường để cùng xưng hiệu chia Quan Trung, nhưng sau khi Đức Tông thất thế bỏ chạy, Chu Thử lại không muốn Hoài Quang ngang hàng với mình, muốn coi Hoài Quang như bầy tôi. Lý Hoài Quang rất tức giận. Cùng lúc, lực lượng của tướng Lý Thạnh nhà Đường liên tục uy hiếp địa bàn. Lý Thạnh mang quân đánh bại được Lý Hoài Quang, khiến Hoài Quang phải bỏ chạy về Hà Trung[39], không hợp tác với Chu Thử nữa.

Đường Đức Tông giao việc chỉ huy quân đội tại Lương châu cho Hồn Giam. Hồn Giam dẫn quân từ Hán Trung tiến ra, cùng 2 vạn quân Thổ Phiên giao tranh đánh bại quân Tần của Chu Thử, rồi sai người đi liên lạc với Lý Thạnh.

Liên quân nhà Đường và Thổ Phiên phản công mạnh mẽ trong khi chính quyền Đại Tần của Chu Thử ngày càng suy yếu. Hồn Giam và Lý Thạnh chia quân làm 2 đường: Hồn Giam tấn công Hàm Dương, Lý Thạnh tấn công Trường An. Tháng 5 năm 784, Lý Thạnh mang quân tấn công kinh thành Trường An và hạ được thành. Chu Thử không chống nổi, phải dẫn quân bỏ trốn.

Chu Thử dẫn quân chạy qua đất Thổ Phiên, trên đường chạy nhiều người dưới quyền bỏ trốn, lực lượng ngày càng tan rã. Khi tới Kinh châu[40], ông chỉ còn hơn 100 quân kỵ, định nương nhờ Tiết độ sứ Kinh Nguyên do ông bổ nhiệm là Điền Hy Giám, nhưng Hy Giám cự tuyệt, đóng cửa không cho vào.

Chu Thử lại chạy sang Ninh châu[41], lại bị Tiết độ sứ Hạ Hầu Anh cự tuyệt. Khi Chu Thử chạy đến Bành Nguyên[42] thì bị bộ tướng đâm chết.

Cùng lúc, cánh quân của Hồn Giam cũng giành thắng lợi, chiếm lại được Hàm Dương.

Diệt Lý Hoài Quang

Sau khi Trường An trở về tay nhà Đường, Lý Hoài Quang quyết định gửi con là Lý Vị thay mặt mình đến Trường An yết kiến và tạ tội với nhà Đường. Đức Tông bằng lòng, sai trung sứ Khổng Sào Phụ, Đạm Thủ Doanh đến Hà Trung nhận hàng. Khi Khổng Sào Phụ đến, Lý Hoài Quang mặc đồ dân thường ra tiếp để tỏ sự hối hận, nhưng Sào Phụ đòi ông phải mặc lại chiến giáp như mọi khi. Sau đó Sào Phụ hỏi quân sĩ rằng: Trong quân của thái úy thì ai có thể thống lĩnh quân đội được. Bọn sĩ tốt giận, bèn giết hai sứ giả của triều đình mà không đợi lệnh của Hoài Quang, khiến cho ông buộc phải công khai chống lại triều đình lần nữa. Vua Đức Tông sai Hồn Giám làm Hà Trung tiết độ phó nguyên soái, cùng Lại Nguyên Quang đem quân đánh Hà Trung. Hồn Giám ban đầu phá được Đồng châu, nhưng bị tướng dưới quyền của ông là Từ Nguyên Quang chặn đứng tại Trường Xuân cung (Vị Nam hiện nay), không thể tiến lên thêm.

Giữa lúc đó, Tiết độ sứ Hà Đông là Mã Toại được phong là phó nguyên soái, cùng Hồn Giám, Lạc Nguyên Quang, Đường Triều Thần... hội binh cùng tấn công, công hạ Giáng châu và một số vùng đất ở phía tây bắc Hà Trung, khiến lãnh thổ của Lý Hoài Quang bị thu hẹp hơn nữa.

Mùa xuân năm 785, khi phát hiện tướng dưới quyền là Lữ Minh Nhạc có bí mật giao thông với Mã Toại, Lý Hoài Quang tức giận sai giết đi, đồng thời tiến hành quản thúc các tướng Cao Dĩnh và Lý Dong. Lúc này thì liên quân của Hồn Giám và Mã Toại đã bao vây được Trường Xuân cung; các tướng cũ ở Sóc Phương nhiều người mưu tính chống lại Hoài Quang; cùng với nhiều quân sĩ vốn nguyên quán ở Sóc Phương vẫn bất bằng với việc phải chuyển đến Hà Trung mà không được trở về quê. Lý Hoài Quang buộc phải hứa với quân sĩ rằng mình sẽ quy phục và cống nộp cho vương sư, để trấn an họ; nhưng trong một tháng không có hành động gì. Do lúc bấy giờ kinh sư vừa mới khôi phục, lòng người chưa yên, việc chuyển lương và mộ quân gặp một số bất lợi, vì thế triều đình nhiều người đề nghị xá miễn cho Lý Hoài Quang, nhưng Lý Thịnh không bằng lòng và đưa ra năm lý do để thuyết phục nhà vua không nên xá miễn, nhà vua nghe theo[43].

Mùa thu năm 785, do sự thuyết phục của Mã Toại, tướng giữ Trường Xuân cung đã đầu hàng triều đình, khiến cho con đường tiến vào Hà Trung của triều đình được mở rộng hơn. Cả Hà Trung hỗn loạn. Lý Hoài Quang tuyệt vọng, thắt cổ tự sát[43]. Hà Trung được bình định.

Dẹp Lý Hi Liệt

Còn lại Sở Đế Lý Hi Liệt không thần phục. Nghe tin xa giá rời kinh, Hi Liệt ra quân tấn công, đại phá Ca Thư Diệu ở Tương Thành, Diệu chạy về Đông đô. Lại thừa thắng công hãm Biện châu, Lý Miễn cho quân phòng thủ, Hi Liệt công phá rất lâu chưa hạ được. Ông bắt thường dân nhập ngũ để tăng thêm lực lượng, lệnh vận chuyển gỗ và đất đến trước thành, bắt quân sĩ nếu ai không hoàn thành việc được giao là lấp các hào nước quanh thành đúng thời gian thì sẽ bị chôn sống ở ngay hào nước đó. Đầu năm 784, Lý Miễn thua trận chạy về Tống châu, Lý Hi Liệt chiếm được Biện châu. Ông dời trị sở Hoài Tây đến Biện châu. Thứ sử Hoạt châu dưới quyền Lý Thừa là Lý Trừng đem Hứa châu theo về với Lý Hi Liệt. Cả Giang Hoài rúng động. Tiết độ sứ Hoài Nam[44] Trần Thiếu Du sợ hãi, sai Ôn Thuật đến Biện quy phục Lý Hi Liệt.

Dự định của Lý Hi Liệt là đánh chiếm vùng Giang Hoài, khống chế con đường vận chuyển phương nam và phương bắc[45]. Để thực hiện chiến lược, Lý Hi Liệt cử tướng Đỗ Thiếu Thành làm Tiết độ sứ Hoài Nam, mang quân đánh chiếm khu vực Giang Hoài. Đỗ Thiếu Thành tấn công Thọ châu[46] nhưng thất bại, sau đó lại bị quân Đường đánh bại ở Kỳ châu[47], quân sĩ tan vỡ gần hết. Một viên tướng khác của Lý Hi Liệt là Đổng Thị được sai đi phối hợp với Đỗ Thiếu Thành cũng bị quân Đường đánh tan tại Ngạc châu[48].

Lý Hi Liệt thấy ý định chiếm Giang Hoài không thành, bèn chuyển sang chiếm vùng Hà Nam. Ông mang quân tiến về Hà Nam, nhưng bị quân Đường đánh tan. Ông lại dẫn 5 vạn quân đến Ninh Lăng[49] gặp quân Đường tại đây. Hai bên kịch chiến trong 45 ngày, quân Sở đại bại phải rút lui. Tướng Sở là Địch Sùng Huy cũng bị thua trận tại Trần châu[50] và bị bắt sống. Thứ sử Hoạt châu[51] do Lý Hi Liệt bổ nhiệm thấy ông liên tiếp bại trận bèn sang hàng nhà Đường, khiến đường vào kinh thành Biện châu của chính quyền Sở mở rộng cho quân Đường.

Quân Đường đắc thắng tiến đánh Biện châu. Lý Hi Liệt không chống nổi, bỏ chạy ra Thái châu[52]. Quân Đường tiến vào chiếm Biện châu. Lý Hi Liệt cố gắng đem quân lấy được Đặng châu[53] vào đầu năm 785. Vào mùa thu cùng năm, Đức Tông nghe lời của Lục Chí, lệnh quân tướng chỉ nên tự vệ nếu Lý Hi Liệt tấn công, chưa nên tấn công vào Thái châu. Đồng thời Đức Tông hạ chiếu thuyết phục Lý Hi Liệt đầu hàng, hứa sẽ không giết ông. Lý Hi Liệt không nghe và tiếp tục phản kháng triều đình, nhưng vẫn thất bại, lãnh thổ nước Sở ngày một thu hẹp.

Lý Hi Liệt tiếp tục cầm cự ở Thái châu. Năm 786, ông lại bị thua một trận nữa. Quân Đường tiến đến vây bức Thái châu. Lý Hi Liệt cố thủ trong thành. Tháng 4 năm 786, Lý Hi Liệt ăn phải thịt bò có bệnh và bị mang bệnh, phải gọi thầy thuốc chữa. Bộ tướng Trần Tiên Kỳ thấy chính quyền Sở suy yếu bèn nảy ý định phản Lý Hi Liệt, đề nghị thầy thuốc Trần Tiên Phố đầu độc Lý Hi Liệt. Hi Liệt bị trúng độc chết, Trần Tiên Kỳ mở cửa thành đầu hàng nhà Đường[54][55]. Về sau Trần Tiên Kì bị Ngô Thiếu Thành giết chết, triều đình cũng phải chấp nhận để họ Ngô làm tiết độ sứ ở Hoài Tây. Sự biến Phụng Thiên tới đây kể như chấm dứt.